Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông được khởi công xây dựng (10/2011) và dự kiến đưa toàn tuyến vào khai thác vào quý II năm 2015. Từ chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, tới người dân Thủ đô đều đang kỳ vọng khi tuyến đường sắt này chính thức được đưa vào khai thác sẽ góp phần giải quyết một phần nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội.

Một số trụ đã xong tại khu vực Hào Nam.

Theo thiết kế, Cát Linh – Hà Đông là tuyến đường sắt nhẹ đi trên cao (cầu cạn) phục vụ vận tải hành khách công cộng với chiều dài 13,05km. Nhà thầu là Cty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Tuyến bắt đầu xuất phát từ khu vực nút giao Cát Linh – Giảng Võ sau đó đi dọc theo dải phân cách phố Hào Nam, phố Hoàng Cầu, ngõ Thái Thịnh I tới đường Láng rẽ trái men theo sông Tô Lịch và tiếp tục đi dọc theo dải phân cách đường Nguyễn Trãi về Hà Đông.

Điểm cuối của tuyến là bến xe Hà Đông mới cạnh Quốc lộ 6. Toàn tuyến có 12 ga theo thứ tự là: Cát Linh – La Thành – Thái Hà – Láng – Đại học Quốc gia – Vành đai 3 – Thanh Xuân 3 – Bến xe Hà Đông cũ – Hà Đông – La Khê – Văn Khê và ga Bến xe Hà Đông mới.

Cự ly bình quân giữa các ga là 1km. Khu Depot (trung tâm điều hành tuyến) đặt tại phường Phú Lương, quận Hà Đông.

Đoàn tàu vận hành trên tuyến gồm 4 toa (giai đoạn đầu khai thác), hoặc 6 toa (giai đoạn về sau khi lưu lượng giao thông tăng) với sức chở lượng hành khách tối đa trên mỗi chuyến có thể lên đến trên 1.700 người, số ghế ngồi là 156. Tốc độ tối đa đoàn tàu là 80km/h, tốc độ lữ hành 35km/h. Tàu có thời gian khai thác hằng ngày từ 5h đến 23h (18 tiếng với tần suất tối đa 2 phút/chuyến). Năng lực vận chuyển tối đa 28.000 hành khách/giờ/hướng.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông sau khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ đóng vai trò nòng cốt cho giao thông công cộng, cùng với mạng lưới xe buýt nhanh sẽ giải quyết cơ bản vấn đề tắc nghẽn giao thông tại Thủ đô Hà Nội và phấn đấu đạt mục tiêu giao thông công cộng đáp ứng được 35 – 45% nhu cầu đi lại của nhân dân Thủ đô.

Đên nay, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thành 42 trụ cầu và đang thi công 31 trụ khác trên các đoạn tuyến: Hào Nam – Hoàng Cầu, La Khê – Ba La và khu vực nút giao Vành đai 3.

Hình ảnh PV Petrotimes ghi trên dọc tuyến Cát Linh – Hà Đông:

Thi công tại khu vực La khê –  Ba La.

Thi công trụ tại khu vực cầu Hà Đông.

Không quản ngại thời tiết làm việc ngay trong trời mưa.

Thi công tại khu vực nút giao thông vành đai III.

Anh Nguyễn Văn Tùng, Công ty cổ phần Xây dựng Tone Thăng Long.

Một số trụ cầu đã hoàn thành tại khu vực Hoàng Cầu.

Các trụ cầu chạy trên hồ Hoàng Cầu.

Khu vực Hào Nam

Và tại La Khê – Ba La.

Nguyễn Hoan (petrotimes.vn)