Về mặt chính sách và quy hoạch, các cơ quan quản lý nhà nước phải có tầm nhìn dài hạn để giải quyết tình trạng cát khan hiếm và tăng giá.
Trong vòng vài tháng nay, giá cát tăng quá cao khiến cho nhiều nhà thầu xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh lâm vào cảnh thi công cầm chừng vì chí phí bị đội lên. Sau khi các địa phương siết chặt quản lý việc khai thác cát, nguồn cung vật liệu này trở nên khan hiếm. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải tìm nguồn vật liệu thay thế.
Hiện nay, giá cát tại TP.Hồ Chí Minh đang ở mức cao kỷ lục, tăng đột biến từ 50-200% so với thời điểm đầu năm. Giá cát xây dựng đang ở mức trên 600 ngàn đồng/m3, gây không ít khó khăn cho người dân và nhà thầu xây dựng.
Theo số liệu điều tra của Bộ Xây dựng, nhu cầu về cát từ năm 2016 đến năm 2020 cần xấp xỉ 2,3 tỉ m3. Trong khi trữ lượng hiện nay chỉ còn hơn 2 tỉ m3. Dự báo đến năm 2020, với mức độ sử dụng cát sẽ đạt khoảng 130 triệu m3/năm thì sẽ không còn cát phục vụ cho xây dựng.
Để đáp ứng nhu cầu cao về xây dựng tại TP.Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia đưa một số giải pháp sử dụng vật liệu nhân tạo khác thay thế cát. Ông Nguyễn Tiến Đỉnh, Giám đốc Trung tâm dự báo và quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, nguồn đầu tiên có thể nghĩ đến là sử dụng chính các phế thải của ngành công nghiệp.
Theo ông Nguyễn Tiến Đỉnh, hiện nay, có thể sử dụng tro xỉ nhiệt điện để trộn vào xi măng hoặc cho vào bê tông đầm lăn đã áp dụng trong các công trình thuỷ điện. TP.Hồ Chí Minh cần yêu cầu ngay từ nhà máy sản xuất nhiệt điện, khi phun tro nhiệt điện ra thì phải làm thêm dây chuyền tạo viên, để tạo cát ngay tại chỗ. Như vậy, việc vận chuyển trở nên đơn giản, không bụi bặm và sử dụng được ngay tại địa phương.
Một giải pháp khác được Tiến sĩ Phạm Trung Kiên, Khoa Công nghệ vật liệu, Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh đưa ra là trong ngắn hạn, thành phố có thể nghiền phế thải xây dựng như xà bần ra đến cỡ hạt tương đương với cát để sử dụng. Chú ý là phương án này chỉ có thể đối phó tức thời trước tình trạng khan hiếm cát như hiện nay.
Về lâu dài, ông Phạm Trung Kiên cho rằng, Bộ Xây dựng phải ban hành tiêu chuẩn và phối hợp với các cơ sở nghiên cứu đề xuất quy chuẩn cát hỗn hợp. Tuy nhiên, vướng mắc về mặt kỹ thuật là hiện nay chưa có quy chuẩn sử dụng về cát hỗn hợp trộn từ xà bần nghiền nhỏ với cát tự nhiên.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Miền, Trưởng bộ môn Vật liệu xây dựng, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, hiện nay nếu sử dụng vật liệu có nguồn gốc tự nhiên thì có thể nghiền từ loại đá cát kết. Loại cát được nghiền từ đá tự nhiên có cỡ hạt gần tương tự với cát tự nhiên, đảm bảo các yêu cầu về tính chất cơ lý, hóa và có thể trộn lẫn theo tỷ lệ phù hợp với cát tự nhiên trong bê tông và vữa xây dựng.
Tuy nhiên ông Miền cho biết hiện nay chưa có đánh giá đầy đủ về nguồn cát nghiền từ đá tự nhiện do loại cát này vẫn được cho là để san lấp chứ không phải dùng trong xây dựng công trình. Thêm nữa, nếu sử dụng vật liệu từ đá nghiền thì vẫn không giải quyết triệt để việc tiết kiệm nguồn cát tự nhiên.
Trước tình hình khan hiếm cát, UBND TP.Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Khoa học và công nghệ thành phố đặt hàng đề tài nghiên cứu về “Ứng dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên để làm cốt liệu cho bê tông xi măng và vữa xây tô”.
Nhiều chuyên gia nhận định, về mặt chính sách và quy hoạch thì các cơ quan quản lý nhà nước phải có tầm nhìn dài hạn. Để có sự thống nhất thì phải điều tra, đánh giá tổng thể về nhu cầu của địa phương để có phương án tính toán. Như vậy thì cát nhân tạo mới có thể phát triển và thay đổi thói quen sử dụng cát tự nhiên trong các công trình xây dựng./.
Theo cafebiz.vn