Với ưu điểm không sử dụng đất nông nghiệp, giảm thiểu lượng CO2 thải ra môi trường, gạch không nung là một trong những vật liệu xanh được sử dụng phổ biến trong xây dựng hiện nay.
Trên thế giới, gạch không nung là sản phẩm phổ biến trong xây dựng, chiếm trên 70%. Từ năm 1990, Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch phát triển vật liệu mới, từng bước thay thế gạch nung truyền thống. Hiện nay gạch không nung đã chiếm tới 60% tỷ trọng ở quốc gia này. Các nước khác như Ấn Độ, Pháp, Mỹ, Đức, Bỉ, Nam Phi, Thái Lan… cũng đã sử dụng khoảng 70-80% nhu cầu gạch không nung trong xây dựng.
Công nghệ sản xuất gạch không nung tận dụng được nhiều nguồn nguyên liệu sẵn như mạt đá – vật liệu tận thu từ quá trình khai thác đá xây dựng; tro bay – phụ phẩm sinh ra từ các nhà máy nhiệt điện đốt than. Gạch không nung có cường độ chịu lực, khả năng cách âm, cách nhiệt, chống thấm tốt. Với kích thước gấp 2-11 lần thể tích của gạch nung truyền thống, gạch không nung sẽ rút ngắn thời gian xây dựng, giảm đáng kể chi phí.
Dù có nhiều ưu điểm, được các nước phát triển trên thế giới ưu tiên chọn lựa nhưng ở nước ta, gạch không nung vẫn chưa được quan tâm sử dụng nhiều. Nguyên nhân đầu tiên là thói quen sử dụng gạch nung truyền thống của người dân, điều này tác động không nhỏ đến các đơn vị xây dựng nhà ở. Một số chủ đầu tư lớn đã bắt đầu ưu tiên gạch không nung cho công trình bởi tính năng thân thiện với môi trường, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với xã hội.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình đang có sự tăng nhẹ, nhưng vẫn không đạt mục tiêu đề ra của Chương trình phát triển gạch không nung đến năm 2020. Trong khi đó, Vụ Vật liệu xây dựng cho biết năm 2017, tổng sản lượng gạch xây không nung khoảng 6,8 tỷ viên, tương đương khoảng 26% so với tổng sản lượng vật liệu xây.
Hà Mỹ Giang (Theo Zing.vn)